Những kết quả đạt được
Số lượng sản phẩm OCOP: Chương trình OCOP là một trong những giải pháp phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng khai thác lợi thế địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Tại tỉnh Quảng Ngãi, Chương trình OCOP được triển khai từ năm 2019 và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tính đến tháng 4/2025, tỉnh Quảng Ngãi có tổng cộng 271 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó: 16 sản phẩm đạt OCOP 4 sao; 253 sản phẩm đạt OCOP 3 sao; 2 sản phẩm tiềm năng đạt OCOP 5 sao. Chương trình này đã được triển khai rộng rãi tại tất cả 13 huyện, thị xã và thành phố, với sự tham gia của 160 chủ thể, bao gồm 23 doanh nghiệp, 42 hợp tác xã và 95 cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh.

Sự đa dạng sản phẩm OCOP: Sản phẩm OCOP tại Quảng Ngãi khá phong phú, thuộc nhiều nhóm ngành: Thực phẩm: thịt heo, gà kiến, nước mắm, thịt bò khô, cá bống Sông Trà, tinh bột nghệ, bánh nổ, kẹo gương, mạch nha, bánh đậu xanh, bánh tráng mè, chả mực, chả cá, dầu phụng nguyên chất, hành tỏi Lý Sơn, nấm linh chi…; đồ uống: rượu nếp, trà đông trùng hạ thảo, mật ong; thảo dược: tinh dầu quế, nhang các loại; làng nghề và thủ công mỹ nghệ: chổi đót, dệt thổ cẩm; dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm địa phương: làng gò cỏ; rừng dừa nước Tịnh Khê... Sự đa dạng ngành hàng trong sản phẩm OCOP của Quảng Ngãi không chỉ phản ánh sự phong phú về tài nguyên bản địa, mà còn thể hiện tính sáng tạo và nỗ lực thích nghi của người dân trong việc tạo ra các sản phẩm có giá trị thương mại cao. Đây chính là nền tảng quan trọng giúp Chương trình OCOP phát triển bền vững, tạo động lực cho kinh tế nông thôn của tỉnh.
Chất lượng sản phẩm OCOP: Nguyên liệu sản xuất phần lớn từ địa phương, đảm bảo sạch và rõ nguồn gốc: Việc sử dụng nguyên liệu địa phương không chỉ giúp giảm chi phí, nâng cao tính đặc trưng vùng miền, mà còn tạo sự gắn bó mật thiết giữa người sản xuất và vùng nguyên liệu
Nhiều sản phẩm giữ được nét truyền thống, hương vị đặc trưng, thu hút người tiêu dùng. Việc gìn giữ nét truyền thống và hương vị đặc trưng không chỉ là yếu tố giúp sản phẩm nổi bật giữa hàng hóa công nghiệp, mà còn góp phần bảo tồn văn hóa, tri thức bản địa - điều mà người tiêu dùng hiện đại ngày càng trân trọng.
Một số sản phẩm đã đầu tư công nghệ sơ chế, đóng gói hiện đại, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Một trong những bước tiến quan trọng của chương trình OCOP tại tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua là việc một số chủ thể mạnh dạn đầu tư công nghệ vào quy trình sản xuất, đặc biệt là ở khâu sơ chế, đóng gói và bảo quản. Điều này không chỉ giúp sản phẩm nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Một số tồn tại và thách thức
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình OCOP tại tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn những tồn tại và thách thức lớn trong công tác quản lý chất lượng.
Quy mô nhỏ lẻ, manh mún: Phần lớn các chủ thể OCOP ở Quảng Ngãi là: Hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp, hợp tác xã quy mô nhỏ, thiếu mặt bằng sản xuất ổn định, quy trình sản xuất chủ yếu thủ công, phụ thuộc nhân công gia đình nên sản lượng sản phẩm thấp, khó duy trì ổn định, nhất là trong mùa cao điểm hoặc khi có đơn hàng lớn. Chưa đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị sơ chế - chế biến - đóng gói, dẫn đến chi phí cao và khó đồng bộ chất lượng. bên cạnh đó, thói quen sản xuất truyền thống: sản xuất theo kiểu “gia đình làm - gia đình bán”, không có tư duy kinh doanh bài bản; thiếu liên kết vùng nguyên liệu - sản xuất - tiêu thụ: mỗi đơn vị hoạt động đơn lẻ, không hình thành chuỗi giá trị; khó tiếp cận chính sách hỗ trợ: chủ thể nhỏ thường ngại làm hồ sơ, thiếu kiến thức để tận dụng các gói hỗ trợ của Nhà nước; thiếu kỹ năng quản lý sản xuất, quản trị nội bộ, định hướng phát triển lâu dài.
Thiếu nhân lực chuyên môn và tư duy thị trường: Nhân lực chủ yếu là chủ thể sản xuất truyền thống: nông dân, hộ gia đình, thợ thủ công, không qua đào tạo bài bản về quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, kinh doanh, tài chính, marketing, thương mại điện tử. Chính vì vậy, thiếu kỹ năng xây dựng thương hiệu sản phẩm (tên gọi, câu chuyện thương hiệu, thiết kế nhãn mác hấp dẫn…), không có khả năng nghiên cứu thị trường và xác định khách hàng mục tiêu, chưa ứng dụng máy móc thiết bị trong đóng gói, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng.
Chất lượng sản phẩm chưa đồng đều: nhiều sản phẩm OCOP chưa có quy trình sản xuất chuẩn hóa, chủ yếu làm thủ công; cùng một sản phẩm nhưng chất lượng giữa các mẻ sản xuất khác nhau, gây mất niềm tin của người tiêu dùng. Một số chủ thể thiếu quy trình kiểm định định kỳ về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàm lượng dinh dưỡng, độ bền sản phẩm... Việc kiểm tra - kiểm soát chất lượng nội bộ chưa có công cụ hiệu quả, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Chính vì vậy, không thể ký hợp đồng lớn vì không bảo đảm sản lượng và chất lượng đồng bộ và dễ mất uy tín khi khách hàng mua lần sau chất lượng kém hơn lần trước.
Thiếu ứng dụng số hóa và công nghệ quản lý: phần lớn các chủ thể OCOP ở Quảng Ngãi vẫn đang quản lý sản xuất, kho hàng, đơn hàng, nhật ký chế biến, truy xuất nguồn gốc... bằng phương pháp thủ công (sổ giấy, Excel cơ bản). Không có phần mềm nội bộ đồng bộ dữ liệu sản xuất - bán hàng - truy xuất. Nhiều chủ thể chưa từng tiếp cận hoặc chưa biết cách ứng dụng các công nghệ số cơ bản như mã QR, phần mềm truy xuất nguồn gốc, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để quảng bá và bán hàng.
Khó khăn trong mở rộng thị trường tiêu thụ: chủ yếu tiêu thụ trong phạm vi địa phương hoặc bán trực tiếp tại cơ sở; chưa có hệ thống phân phối chuyên nghiệp (siêu thị, đại lý, sàn thương mại điện tử…); khó tiếp cận với thị trường ngoài tỉnh hoặc quốc tế; bị động trong khâu bán hàng, chủ yếu trông chờ khách hàng tìm đến. Nguyên nhân được chỉ ra là do thiếu năng lực tiếp thị - truyền thông sản phẩm như thiếu kỹ năng xây dựng thương hiệu mạnh (tên gọi, bao bì, logo, slogan…). Không biết cách quảng bá sản phẩm trên môi trường số (fanpage, website, video, sàn thương mại điện tử). Không có chiến lược marketing dài hạn hay ngân sách quảng cáo.
Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ngãi
Việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP là nhiệm vụ cấp thiết để OCOP Quảng Ngãi phát triển ổn định, có thương hiệu, chỗ đứng bền vững trên thị trường trong nước và quốc tế. Do vậy, tác giả xin đề xuất một số giải pháp đồng bộ và thiết thực sau đây:
Giải pháp về sản xuất - chế biến
Chuẩn hóa quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn: Áp dụng chuẩn hóa quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn kiểm soát nội bộ như Phần mềm quản lý nội bộ OCOP với các chức năng: nhập nhật ký sản xuất; tạo mã QR truy xuất; chấm điểm nội bộ OCOP; cảnh báo sai lệch chất lượng; lưu trữ hồ sơ điện tử... giúp chủ thể tự kiểm soát - tự cải tiến, không phụ thuộc hoàn toàn vào cơ quan kiểm tra bên ngoài và làm chủ chất lượng, chi phí, uy tín của sản phẩm. Đồng thời, tăng tính minh bạch, chuyên nghiệp hóa - chuyển từ sản xuất thủ công sang mô hình kinh doanh hiện đại.
Kiểm soát nguyên liệu đầu vào: Các chủ thể OCOP nên xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, liên kết với nông dân - hợp tác xã có sản lượng ổn định, sạch và rõ nguồn gốc. Đồng thời nên áp dụng mã số vùng trồng - vùng nuôi cho các nguyên liệu OCOP. Thiết lập hồ sơ nguyên liệu đầu vào: gồm ngày thu hoạch, phân bón sử dụng, người sản xuất, hình ảnh vùng trồng… Kiểm soát tốt chất lượng đầu vào, giảm chi phí vận chuyển và rủi ro mất mùa. Điều này, giúp nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc và niềm tin với người tiêu dùng. Bên cạnh đó cần quản lý chất lượng trong suốt chuỗi chế biến bằng ứng dụng phần mềm quản lý sản xuất nội bộ: lưu nhật ký, kiểm soát lô hàng, thời gian sản xuất, nguyên liệu sử dụng. Các chủ thể OCOP nên ưu tiên áp dụng các công nghệ hiện đại như sấy khô, hút chân không, chiếu xạ để bảo quản thực phẩm, đảm bảo chất lượng và kéo dài thời gian sử dụng. Đồng thời, việc sử dụng mã QR và hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp tăng tính minh bạch và niềm tin từ người tiêu dùng. Công nghệ sinh học cũng được áp dụng để cải thiện giống cây trồng, vật nuôi và giảm thiểu sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp.
Ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất - chế biến: Cơ giới hóa và tự động hóa bằng cách đưa máy móc hiện đại vào sơ chế, chế biến (máy sấy lạnh, máy chiết rót, máy đóng gói tự động…) giúp tăng năng suất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Về bảo quản nên nên sử dụng kỹ thuật hút chân không, đóng gói khí trơ, bao bì chống ẩm… kéo dài thời hạn sử dụng mà vẫn giữ được chất lượng sản phẩm. Ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, giảm phụ thuộc vào hóa chất bảo quản (ví dụ: tỏi đen lên men, nước mắm truyền thống ủ vi sinh...).
Nói chung, giải pháp sản xuất - chế biến sản phẩm OCOP tại Quảng Ngãi không chỉ dừng lại ở việc cải tiến kỹ thuật mà còn là sự chuyển đổi toàn diện từ quy mô nhỏ, manh mún sang hướng sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững. Đây là nền tảng quan trọng để nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu mạnh cho sản phẩm OCOP tỉnh nhà.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường sản phẩm OCOP
Tăng cường hoạt động truyền thông - quảng bá sản phẩm OCOP: Cần xây dựng hình ảnh thương hiệu OCOP địa phương thông qua các kênh truyền thông: báo đài, truyền hình, fanpage, YouTube, TikTok...; tổ chức chiến dịch truyền thông theo chủ đề như: “Mỗi tuần một sản phẩm OCOP”, “Tết dùng hàng Quảng Ngãi”…; giới thiệu câu chuyện sản phẩm, bản sắc địa phương, quy trình sản xuất sạch, đặc trưng vùng miền - tạo yếu tố “cảm xúc” kết nối với người tiêu dùng.
Tổ chức hội chợ, triển lãm, ngày hội OCOP: các chủ thể cần tăng cường tham gia các hội chợ cấp vùng, quốc gia: Hội chợ OCOP toàn quốc, Tuần lễ OCOP miền Trung - Tây Nguyên...; chủ động tổ chức các ngày hội giới thiệu sản phẩm trong tỉnh để kết nối người dân, khách du lịch và doanh nghiệp tiêu thụ; kết nối với các trung tâm thương mại, siêu thị để tổ chức các chương trình dùng thử, giới thiệu sản phẩm. Tạo cơ hội giao lưu, học hỏi mô hình OCOP thành công từ các tỉnh bạn, đồng thời giúp sản phẩm tiếp cận nhà phân phối lớn.
Mở rộng kênh phân phối - đưa sản phẩm vào hệ thống hiện đại: Liên kết với hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đặc sản vùng miền như Co.opmart, VinMart, Big C, Lotte Mart...; tăng sự hiện diện tại các điểm du lịch như Sa Huỳnh, Lý Sơn, Ba Tơ… (kết hợp với phát triển sản phẩm OCOP thành quà lưu niệm, quà tặng du lịch); khuyến khích phát triển cửa hàng OCOP tại huyện/thành phố nhằm tạo kênh bán hàng ổn định.
Thúc đẩy thương mại điện tử và kinh tế số: Hướng dẫn các chủ thể đăng bán trên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Shopee, Lazada, Tiki…; kết hợp với fanpage, livestream, TikTok Shop, Zalo OA để bán hàng trực tiếp và thu hút người trẻ; xây dựng website riêng cho sản phẩm OCOP chủ lực (tỏi Lý Sơn, quế Trà Bồng, bánh in, mạch nha...) - hỗ trợ SEO, thanh toán online, đặt hàng dễ dàng.
Kết nối tiêu thụ theo hình thức B2B và liên kết vùng: ký kết hợp tác với doanh nghiệp, nhà phân phối, trung tâm thương mại ở các tỉnh khác; tham gia các chương trình liên kết OCOP vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên - Đồng bằng sông Cửu Long để mở rộng tệp khách hàng và vùng thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh xuất khẩu qua thị trường ngách như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông, Liên minh châu Âu thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản - thực phẩm.
Tóm lại, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường chính là “cầu nối” giúp sản phẩm OCOP Quảng Ngãi vượt khỏi biên giới địa phương, nâng tầm vị thế, tăng doanh số và lan tỏa thương hiệu. Đây không chỉ là một giải pháp đơn lẻ, mà là hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện từ sản xuất, truyền thông, bán hàng đến xuất khẩu - cần được thực hiện đồng bộ và chuyên nghiệp.
Thay lời kết
Chương trình OCOP không chỉ là giải pháp phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị, mà còn là bước đệm quan trọng giúp Quảng Ngãi khẳng định thương hiệu địa phương trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong quá trình triển khai, Quảng Ngãi đã chú trọng đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Các giải pháp trên đã và đang góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ngãi, giúp các sản phẩm ngày càng chuyên nghiệp, đạt tiêu chuẩn cao hơn, có tính cạnh tranh và sức lan tỏa lớn hơn.