Thúc đẩy truyền thông là góp phần đưa Nghị quyết 57 vào cuộc sống
Chương trình 1169 khẳng định vai trò của S.T.I.D quốc gia trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới. Chính vì vậy, truyền thông triển khai thực hiện Nghị quyết 57 là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giữ vai trò nòng cốt; Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông tập trung bố trí nguồn lực để thực hiện công tác truyền thông S.T.I.D, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia vào công tác truyền thông S.T.I.D quốc gia.

Tạp chí điện tử Khoa học và Công nghệ Việt Nam có chuyên mục riêng về Nghị quyết 57.
Đổi mới mạnh mẽ phương thức truyền thông, đảm bảo tính đa dạng, linh hoạt, sáng tạo, hấp dẫn, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực, chú trọng đối tượng đặc thù nhằm đáp ứng nhiệm vụ chính trị và nhu cầu xã hội để tạo đồng thuận trong việc triển khai thực hiện. Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác truyền thông S.T.I.D quốc gia với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy công nghệ làm công cụ, lấy sáng tạo làm động lực.
Xây dựng các nội dung truyền thông phù hợp với từng giai đoạn, từng ngành nghề, lĩnh vực; phù hợp với các đối tượng khác nhau; cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương, chính sách phát triển S.T.I.D quốc gia, các thành tựu mới của S.T.I.D trong nước và thế giới; tôn vinh kịp thời tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có đóng góp vào sự nghiệp phát triển S.T.I.D quốc gia. Phát triển các kết quả, mô hình, kinh nghiệm truyền thông hay, ghi nhận, tôn vinh những cá nhân, cơ quan, mô hình tốt, hiệu quả trong công tác truyền thông; phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch truyền thông của các bộ, ngành, địa phương về S.T.I.D quốc gia.
Chương trình 1169 nhằm đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển S.T.I.D quốc gia, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết 57.
Năm 2025, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình và tổ chức thực hiện; xây dựng và duy trì chuyên mục truyền thông thực hiện Nghị quyết 57; 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đều được tuyên truyền, phổ biến về các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 57; 100% cơ quan báo chí truyền thông chủ lực xây dựng các chuyên trang/chuyên mục/các tuyến nội dung tuyên truyền, xây dựng, đăng tải, phát sóng hoặc xuất bản các sản phẩm truyền thông phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí để truyền thông thực hiện Nghị quyết 57.
Năm 2026, hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành nền tảng truyền thông quốc gia về S.T.I.D. 100% các nội dung quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 57 và hệ thống các văn bản có liên quan được cung cấp kịp thời trên nền tảng truyền thông số quốc gia và các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đánh giá cụ thể, định kỳ đo lường và công bố kết quả công tác truyền thông S.T.I.D quốc gia hằng năm, tích hợp vào hệ thống theo dõi, đánh giá Nghị quyết 57. Hình thành được mạng lưới truyền thông về S.T.I.D, bao gồm: Các nhà quản lý, chuyên gia, cơ quan báo chí, truyền thông, nhà báo, các nền tảng số, mạng xã hội, tổ chức khoa học và công nghệ, nhà khoa học, doanh nghiệp và tổ chức xã hội. Từ năm 2026, tổ chức giải thưởng/diễn đàn báo chí về S.T.I.D hằng năm nhằm ghi nhận, tôn vinh những cá nhân, cơ quan, mô hình tốt, hiệu quả trong công tác truyền thông thực hiện Nghị quyết số 57.
Năm 2027, xây dựng được ít nhất 03 chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp cho từng đối tượng cụ thể nhằm cung cấp thông tin, tạo đam mê, truyền cảm hứng về xây dựng văn hóa sáng tạo trong xã hội.
Năm 2030, 100% các nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước (trừ những nhiệm vụ liên quan đến bí mật nhà nước) được truyền thông, phổ biến, cung cấp thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nền tảng số, mạng xã hội. Ít nhất 80% người dân tiếp cận thông tin định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển S.T.I.D quốc gia thông qua hệ thống thông tin cơ sở. Ít nhất 70% cán bộ chuyên trách làm công tác truyền thông, cán bộ làm công tác thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại tại các bộ, ngành, địa phương được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng truyền thông số và nội dung khoa học, công nghệ.
Giải pháp và tài chính thực hiện
Chương trình 1169 đưa ra 5 giải pháp: 1) Đẩy mạnh truyền thông, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển S.T.I.D quốc gia trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở và báo chí đối ngoại, truyền thông xã hội, mạng xã hội, nền tảng số và phương thức khác; 2) Tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò của S.T.I.D, khơi dậy đam mê và truyền cảm hứng tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng; 3) Tăng cường truyền thông Nghị quyết 57 tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp; 4) Tổ chức truyền thông Nghị quyết 57 tại các tổ chức, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; 5) Tăng cường thông tin đối ngoại và hợp tác quốc tế đối với công tác truyền thông S.T.I.D quốc gia.
Kinh phí thực hiện Chương trình được bảo đảm từ nguồn chi ngân sách nhà nước cho S.T.I.D hằng năm về các bộ, ngành, địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành; lồng ghép từ nguồn kinh phí thực hiện một số chương trình, đề án, kế hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; huy động nguồn xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để triển khai Chương trình 1169 theo quy định. Trên cơ sở nhiệm vụ cụ thể được giao tại Chương trình 1169, các bộ, ngành, địa phương chủ động phê duyệt nhiệm vụ, dự toán kinh phí và tổng hợp vào dự toán chi ngân sách nhà nước hằng năm của cơ quan mình theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về S.T.I.D gửi cơ quan tài chính và các cơ quan có liên quan để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.
VVH