Thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển năng lượng nguyên tử bền vững
Sau hơn 15 năm thi hành, Luật NLNT đã trở thành nền tảng pháp lý vững chắc, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tổ chức quốc tế tiến hành các hoạt động trong lĩnh vực NLNT tại Việt Nam. Luật đã góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh ứng dụng NLNT, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các ngành, các cấp và người dân về ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bối cảnh mới đặt ra yêu cầu cấp thiết phải cập nhật, hoàn thiện để phù hợp với xu hướng phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), bảo đảm an ninh năng lượng và đáp ứng các cam kết quốc tế về phát triển, ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đang được đánh giá là giải pháp quan trọng.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Hoàng Phương chủ trì buổi họp báo công bố một số Luật do Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (nguồn: CESTC).
Luật NLNT sửa đổi được xây dựng với mục đích tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về NLNT, thống nhất với các văn bản khác có liên quan và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; xây dựng cơ sở pháp lý bảo đảm sự đầy đủ, toàn diện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về NLNT; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân; phát triển bền vững ứng dụng NLNT; thực hiện cam kết, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam; tăng cường hợp tác quốc tế; NLNT góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới. Luật NLNT (sửa đổi) được xây dựng theo hướng thể hiện rõ vai trò “kiến tạo phát triển” của Nhà nước trong lĩnh vực đòi hỏi an toàn cao, yêu cầu công nghệ phức tạp.
Trong quá trình xây dựng Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tập trung rà soát, lược bỏ các quy định chồng chéo, bổ sung những nội dung còn thiếu so với yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, tích cực tham vấn ý kiến từ các bộ, ngành, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, khả thi và phù hợp với các cam kết quốc tế. Nội dung Luật được sửa đổi theo hướng phân định rõ ràng phạm vi điều chỉnh, trách nhiệm của các cơ quan liên quan; tích hợp, liên thông các thủ tục hành chính; thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện quản lý.
Những điểm nhấn của Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)
Tại buổi họp báo công bố một số Luật do Bộ KH&CN là cơ quan chủ trì được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, mặc dù có tính kế thừa các quy định của của Luật NLNT năm 2008 mà vẫn còn phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực NLNT, nhưng Luật NLNT (sửa đổi) vừa được thông qua có 8 điểm căn cốt:
Một là, Luật đáp ứng khung pháp lý cho quản lý nhà nước trong lĩnh vực NLNT, bao gồm phát triển ứng dụng, bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân, phù hợp với hướng dẫn và luật mẫu của Cơ quan NLNT quốc tế (IAEA). Nguyên tắc bảo đảm an toàn - an ninh đã được thể hiện xuyên suốt cho từng đối tượng quản lý từ nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ cho đến vật liệu hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Việc quy định một chương riêng về Thanh sát hạt nhân đã thể hiện vai trò phối hợp kiểm soát của IAEA để bảo đảm các hoạt động hạt nhân ở Việt Nam vì mục đích hòa bình, cũng như trách nhiệm tuân thủ các cam kết, nghĩa vụ quốc gia, đặc biệt trong giai đoạn triển khai xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới và sắp tới là Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Hai là, điện hạt nhân trở thành chiến lược quốc gia, đáp ứng tiêu chí năng lượng sạch, góp phần vào mục tiêu giảm phát phát thải carbon, bảo đảm nhu cầu và an ninh năng lượng quốc gia, kiến tạo không gian phát triển mới. Sau thời kỳ thoái trào cách đây 10-15, điện nhạt nhân đã trở lại với công nghệ hiện tại chủ yếu là thế hệ III+ được kiểm chứng có độ an toàn rất cao. Do vậy, điện hạt nhân là đối tượng quan trọng nhất của Luật cả về phương diện phát triển ứng dụng và quản lý an toàn, an ninh trong bối cảnh hiện tại.
Ba là, theo Hướng dẫn của IAEA và kinh nghiệm quốc tế, hoạt động bảo đảm an toàn, an ninh trong phát triển ứng dụng NLNT nói chung và an toàn hạt nhân nói riêng phải do một cơ quan nhà nước có thẩm quyền thống nhất quản lý, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, hướng dẫn của IAEA, quản lý toàn bộ vòng đời, qua tất cả các giai đoạn của nhà máy điện hạt nhân, từ phê duyệt dự án, lựa chọn địa điểm, xây dựng, vận hành thử, vận hành cho đến giai đoạn đóng cửa. Đây là cách tiếp cận toàn diện, theo kinh nghiệm quốc tế.

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (nguồn:VINATOM).
Bốn là, để phục vụ cho việc triển khai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam được thuận lợi, Luật có quy định cho phép áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của nước cung cấp công nghệ, dự án có khoản chi cho thẩm định an toàn, thẩm định công nghệ và đào tạo.
Năm là, đảm bảo an toàn, an ninh cho các cơ sở hạt nhân, trong đó có nhà máy điện hạt nhân, Luật đã thiết kể hẳn một chương riêng về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân, một mục riêng về nhà máy điện hạt nhân, trong đó duy trì hoạt động giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân trong suốt vòng đời của nhà máy. Xây dựng các biện pháp và năng lực ứng phó sự cố. Xây dựng văn hoá an toàn, an ninh hạt nhân, vì ứng dụng năng lượng nguyên tử, năng lượng hạt nhân sẽ ngày một rộng rãi trong nhiều mặt của đời sống xã hội.
Sáu là, có chính sách phát triển mạnh mẽ các ứng dụng NLNT cho mục đích dân sinh trong các lĩnh vực. Thực hiện phân loại mức độ rủi ro của tác động bức xạ đối với con người và môi trường để xã hội hoá phù hợp, thúc đẩy đưa những thành tựu mới nhất của ứng dụng NLNT phục vụ người dân, phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển công nghệ, công nghiệp; Nhà nước có chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; có chính sách ưu đãi, trọng dụng chuyên gia trong và ngoài nước; có chính sách ưu đãi và hỗ trợ người được đi đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực NLNT.
Bảy là, tiến tới làm chủ công nghệ NLNT để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Dần hình thành ngành công nghiệp hạt nhân bao gồm nhà máy điện hạt nhân và phát triển lò phản ứng hạt nhân phục vụ cho nghiên cứu và ứng dụng bức xạ. Phát triển tiềm lực nội địa về công nghệ hạt nhân, chế tạo trang thiết bị phục vụ phát triển ứng dụng NLNT, quan trắc phóng xạ, đánh giá và thẩm định an toàn. Trong chiến lược về xây dựng năng lực nội địa hóa, giai đoạn đầu ưu tiên năng lực chế tạo trang thiết bị phục vụ phát triển ứng dụng NLNT, quan trắc phóng xạ, đánh giá và thẩm định an toàn, sau đó tiến tới năng lực nội địa hóa công nghệ hạt nhân.
Tám là, chuyển đổi số toàn diện công tác quản lý ứng dụng NLNT, năng lượng hạt nhân. Đẩy mạnh phân cấp về quản lý cho các địa phương theo mức độ rủi ro của nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ trên phương diện an toàn, an ninh. Xây dựng hệ thống, năng lực quản trị và cơ sở dữ liệu quốc gia về ứng dụng NLNT, bảo đảm an toàn an ninh.
AT