Thứ năm, 29/05/2025 14:28

Hoàn thiện chính sách, phát triển công nghệ số và mô hình kinh doanh mới

Ngày 27/05/2025, tại Hà Nội, Hội Truyền thông thành phố Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Công nghệ vì Cộng đồng (TFGI) tổ chức Hội thảo “Quản trị công nghệ trong kỷ nguyên số: Những chính sách nổi bật tại Việt Nam”. Hội thảo là diễn đàn quan trọng nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến mô hình kinh doanh và xây dựng hệ sinh thái số tại Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo (nguồn: Bộ Công Thương).

Sự kiện thu hút sự quan tâm của các chuyên gia chuyển đổi số và quản trị công nghệ trong và ngoài nước đến từ Viện Nghiên cứu Công nghệ vì Cộng đồng (TFGI), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương)... Các tham luận tại hội thảo tập trung làm rõ xu hướng chuyển đổi số trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời nhấn mạnh vai trò của chính sách linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đổi mới công nghệ và phát triển hệ sinh thái số.

Công nghệ - yếu tố cốt lõi trong phát triển kinh tế số

Bà Citra Nasruddin, Giám đốc Chương trình tại TFGI cho biết, công nghệ số và chuyển đổi số đang trở thành động lực trọng yếu trong việc tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tại Việt Nam, năm 2023, kinh tế số đã đóng góp 18,3% vào GDP; mục tiêu đến năm 2025 là nâng tỷ lệ này lên 25%. Để đạt được điều đó, Chính phủ đã và đang triển khai đồng bộ các chính sách nhằm phát triển hạ tầng số, khuyến khích ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế.

Bà Citra Nasruddin, Giám đốc Chương trình tại TFGI  phát biểu tại Hội thảo (nguồn: Bộ Công Thương).

Bên cạnh những cơ hội lớn, bà Citra Nasruddin cũng đề cập đến những rủi ro và thách thức đi kèm với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, đảm bảo tính kịp thời và phù hợp với thực tiễn. Từ thực tiễn khu vực Đông Nam Á, bà nhấn mạnh vai trò của chính sách linh hoạt trong quản trị công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và không ngừng thay đổi.

Đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển bền vững

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khẳng định, thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đang ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng. Năm 2024, quy mô thị trường TMĐT đã vượt ngưỡng 25 tỷ USD, tăng 22% so với năm trước, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Đi liền với sự phát triển đó là nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên sâu về công nghệ. Ông Nguyễn Hữu Tuấn nhấn mạnh vai trò của giáo dục trong việc đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Hiện nay, nhiều trường đại học đã cập nhật chương trình giảng dạy, tích hợp các môn học mới như: AI, Blockchain, phân tích dữ liệu lớn… vào đào tạo TMĐT.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đang đẩy mạnh các chương trình đào tạo công nghệ số cho doanh nghiệp và địa phương. Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay là sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Để khắc phục, mô hình đào tạo “theo đơn đặt hàng” giữa Nhà nước và doanh nghiệp được xem là một hướng đi khả thi, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, góp phần cân đối cung - cầu lao động trong lĩnh vực TMĐT.

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và bền vững, mô hình này cần sự phối hợp rõ ràng, minh bạch giữa các bên liên quan. Việc đảm bảo kiến thức nền tảng và kỹ năng cốt lõi cho học viên là điều kiện tiên quyết để lực lượng lao động có thể thích ứng linh hoạt với sự thay đổi không ngừng của môi trường số.

Chính sách là đòn bảy chiến lược

Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Minh Thảo (Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược) nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực về kinh tế số, song vẫn còn thách thức về nhân lực, đổi mới sáng tạo và tỷ lệ đóng góp GDP. Bà cho rằng thể chế cần “đi trước một bước so với thực tiễn công nghệ”.

TS Nguyễn Minh Thảo đánh giá, Nghị quyết 57-NQ/TW là dấu mốc quan trọng khi lần đầu xác định chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ là ba đột phá chiến lược. Do đó, năm 2025 sẽ là năm bản lề với nhiều chính sách mới như Nghị quyết 193/2025/QH15 về bán dẫn, AI và chuyển đổi số; Nghị quyết 198/2025/QH15 và Nghị định 88/2025/NĐ-CP thúc đẩy đầu tư R&D… nhằm thúc đẩy mục tiêu đến năm 2045, kinh tế số đóng góp ít nhất 50% GDP, doanh nghiệp công nghệ số đạt trình độ tương đương các quốc gia phát triển.

Hướng tới một hệ sinh thái số vững mạnh

Bộ Công Thương đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TMĐT, trong đó có việc cập nhật giáo trình, tăng cường thực tập và kiến tập cho sinh viên. Mục tiêu là đào tạo đội ngũ nhân lực đủ năng lực quản lý, vận hành và đổi mới mô hình kinh doanh, từ đó góp phần xây dựng hệ sinh thái số linh hoạt, vững chắc.

Một trong những sáng kiến nổi bật là chương trình Go Online do Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và Công nghệ số triển khai. Chương trình sẽ diễn ra tại 6 khu vực kinh tế trên cả nước, tập trung đào tạo chuyên sâu về khung pháp lý, chiến lược kinh doanh, quy định thuế và giải pháp quảng cáo số. Trọng tâm của chương trình là thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, đổi mới mô hình kinh doanh, từ đó nâng cao sức cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế số.

Chương trình Go Online không chỉ cung cấp kiến thức thực tiễn cho doanh nghiệp và người lao động, mà còn góp phần xây dựng hệ sinh thái số tại địa phương. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức trong nước kết nối, hợp tác và phát triển mạnh mẽ trong thời đại số.

Hằng Dương

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)