Sau gần 1 năm triển khai, Chương trình đã phê duyệt 15 nhiệm vụ trọng điểm. Nổi bật là các sản phẩm khoa học như: chip cảm biến Raman, vi mạch ROIC, chip sinh học phát hiện độc tố botulinum, lõi IP vi xử lý RISC-V công suất thấp... Trong đợt triển khai đầu tiên này, thông qua các nhiệm vụ đã được phê duyệt, Chương trình dự tính sẽ công bố 24 bài báo quốc tế trên các tạp chí thuộc WoS/Scopus và đăng ký 4 đơn sở hữu trí tuệ (sáng chế, giải pháp hữu ích). Chương trình cũng dự kiến đào tạo 8 nghiên cứu sinh và 7 học viên cao học, phát triển 5 bộ học liệu chuyên ngành, đồng thời hỗ trợ 13 đoàn công tác học tập kinh nghiệm xây dựng phòng thí nghiệm chip tại Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản thông qua các nhiệm vụ đã ký hợp đồng trong năm đầu tiên.

Đặc biệt, nhiều nhiệm vụ nghiên cứu sẽ góp phần xây dựng Báo cáo khả thi Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Hỗ trợ thiết kế, chế tạo và đo kiểm vi mạch quốc gia tại ĐHQGHN - một trong những dự án trọng điểm được giới thiệu tại Tọa đàm. Dự án này được kỳ vọng trở thành đầu tàu về nghiên cứu và đào tạo công nghệ vi mạch với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.500 tỷ đồng. Trung tâm sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực chính: thiết kế, chế tạo, đóng gói - kiểm thử và phát triển ứng dụng chip bán dẫn. Dự án đầu tư một cơ sở hạ tầng hiện đại bao gồm phòng sạch đạt chuẩn quốc tế, thiết bị chế tạo vi mạch tiên tiến, phần mềm thiết kế EDA hàng đầu thế giới như Synopsys, Cadence, Siemens EDA, cùng hệ thống mô phỏng hiệu năng cao. Đây sẽ là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo, ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung trọng tâm: Định hướng các sản phẩm chiến lược và ưu tiên phát triển trong thời gian tới; lựa chọn trang thiết bị công nghệ chế tạo chip, đề xuất giải pháp kỹ thuật cho Trung tâm hỗ trợ thiết kế, chế tạo và đo kiểm vi mạch quốc gia tại ĐHQGHN; mô hình tổ chức, vận hành và cơ chế quản lý hiệu quả phòng thí nghiệm và các nhiệm vụ nghiên cứu.
Vũ Hưng