Thứ tư, 24/04/2024 17:05

Cách hành chính của các địa phương năm 2023: Năm đầu tiên cả 63 tỉnh, thành phố đều đạt kết quả trên 80%

Theo Báo cáo tóm tắt kết quả chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà Bộ Nội vụ công bố mới đây, Chỉ số CCHC của các tỉnh, thành phố đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng tích cực.

Lần thứ 5 liên tiếp có Chỉ số CCHC của các địa phương đạt giá trị trung bình trên 80%

Theo Báo cáo, Chỉ số CCHC của các tỉnh, thành phố đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng tích cực, giá trị trung bình năm 2023 đạt 86,98%, cao hơn 2,19% so với năm 2022; đây là lần thứ 5 liên tiếp có Chỉ số CCHC của các địa phương đạt giá trị trung bình trên 80%. Theo thống kê, trong lịch sử đánh giá từ năm 2012 đến nay, năm 2023 là năm đầu tiên cả 63 tỉnh, thành phố đều đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%. Cùng với đó, 32/63 địa phương đạt kết quả Chỉ số CCHC cao hơn mức trung bình của cả nước; 57/63 tỉnh, thành phố có Chỉ số CCHC tăng trưởng cao hơn so với năm 2022, với tỉnh tăng cao nhất là 9,39%, tăng thấp nhất là 0,03%. Tuy nhiên, có 06 địa phương cho kết quả giảm, nhưng mức giảm không đáng kể, trong đó tỉnh giảm nhiều nhất là 2,91%, và tỉnh giảm ít nhất là 0,51%.

Kết quả Chỉ số CCHC năm 2023 các tỉnh, TP được phân theo 02 nhóm: Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, có 07 tỉnh, thành phố. Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80 đến dưới 90%, có 56 tỉnh, thành phố.

Trung tâm Điều hành thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh.

Theo đánh giá, nhóm dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023 của các tỉnh/thành phố duy trì sự ổn định. Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC với kết quả đạt 92,18%; từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh có 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC cả nước. Xếp vị trí thứ 2/63 là thành phố Hải Phòng, đạt 91,87% và là năm thứ 4 liên tiếp, Hải Phòng đạt kết quả Chỉ số >90%. Một số địa phương khác cũng đã thể hiện sự tiến bộ vượt trội và đạt kết quả rất tích cực trong công tác CCHC, như: Hà Nội, đạt 91,43%, xếp thứ 3/63; Bắc Giang đạt 91,16%, xếp thứ 4/63; Bà Rịa - Vũng Tàu, đạt 91,03%, xếp thứ 5/63.

Kết quả các Chỉ số thành phần

Năm 2023, có 07/8 chỉ số thành phần tăng điểm và 01/8 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2022. Trong đó, tăng cao nhất là Chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số”, với mức tăng 6,60%; Chỉ số thành phần duy nhất có giá trị trung bình giảm so với 2022 là “Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, với mức giảm 1,29%.

Chỉ số thành phần “Chỉ đạo điều hành CCHC” đạt giá trị trung bình cao nhất, với kết quả là 95,25%, cao hơn 3,60% so với năm 2022; đây là lần thứ 3 liên tiếp Chỉ số thành phần này có giá trị trung bình trên 90%. 05 địa phương đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số thành phần này đều đạt tỷ lệ điểm tối đa (100%).

Chỉ số thành phần “Cải cách TTHC” tiếp tục duy trì vị thế cao trong nhiều năm gần đây, năm 2023, giá trị trung bình xếp vị trí thứ 2/8 chỉ số thành phần, đạt 94,32%, cao hơn 0,59% so với năm 2022; có 52/63 địa phương đạt kết quả điểm trên 90%. Địa phương đứng đầu bảng xếp hạng là tỉnh Hòa Bình (99,93%); đứng cuối của Chỉ số thành phần này là tỉnh Bạc Liêu, đạt 79,48%%.

Chỉ số thành phần “Cải cách thể chế” xếp vị trí thứ 3, đạt 93,21%, cao hơn 2,45% so với năm 2022 và là năm thứ 2 liên tiếp đạt giá trị trung bình trên 90%. Theo kết quả, có có 59/63 địa phương đạt tỷ lệ điểm đánh giá trên 90% (trong khi đó, năm 2022 chỉ có 46 địa phương đạt mức trên). Giữ vị trí quán quân về Chỉ số thành phần “Cải cách thể chế” là tỉnh Sơn La, đạt 97,37%; xếp vị trí thứ 63/63 là TP Hồ Chí Minh, đạt 83,41%.

Chỉ số thành phần “Cải cách tổ chức bộ máy”, xếp vị trí thứ 4/8 chỉ số thành phần, đạt giá trị trung bình là 91,28%, cao hơn 2,70% so với năm 2022; có 49/63 địa phương đạt tỷ lệ điểm trên 90%, không có địa phương nào cho kết quả dưới 80%. Đứng đầu bảng xếp hạng là Sơn La, đạt 96,93%, cao hơn 10,06% so với năm 2022; đứng cuối bảng xếp hạng là Bình Thuận, đạt 82,20%, giảm 5,55% so với năm 2022.

Chỉ số thành phần “Cải cách tài chính công” xếp vị trí thứ 5/8 chỉ số thành phần, đạt 84,80%, cao hơn 2,60% so với 2022. Dẫn đầu cả nước ở Chỉ số thành phần này là TP Hải Phòng, đạt 96,21; có 14/63 địa phương đạt kết quả trên 90%, nhiều hơn 5 đơn vị so với 2022; 36/63 địa phương đạt tỷ lệ điểm đánh giá ở mức từ 80 đến dưới 90%; 04 địa phương đạt dưới 70% là Gia Lai, An Giang, Sóc Trăng, Lạng Sơn, trong số đó, Sóc Trăng là địa phương đứng cuối bản xếp hạng ở Chỉ số thành phần này, chỉ đạt 64,76%.

Xếp vị trí thứ 6 là Chỉ số thành phần “Cải cách chế độ công vụ”, đạt 83,47%, cao hơn 1.69% so với năm 2022 (81,78%); có 34/64 địa phương cho kết quả cao hơn giá trị trung bình; chỉ có 02 địa phương đạt tỷ lệ điểm trên 90% là Long An và Thừa Thiên Huế, trong đó, Long An là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng cả nước, đạt 90.65%. Có 16 địa phương cho kết quả dưới 80%, đứng cuối bảng xếp hạng cả nước là An Giang, đạt 72.85%.

Chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số” xếp vị trí thứ 7/8 Chỉ số thành phần nhưng lại có giá trị trung bình tăng trưởng cao nhất so với các Chỉ số thành phần còn lại. Năm 2023, Chỉ số thành phần này đạt 83,25%, cao hơn 6,6% so với năm 2022. Có 06/63 địa phương đạt kết quả trên 90%, dẫn đầu bảng xếp hạng là Bắc Giang, đạt 91,99%. Ở nhóm cuối bảng xếp hạng, có 13 địa phương cho kết quả đánh giá dưới 70%, trong đó, xếp vị trí thứ 63/63 là tỉnh Bạc Liêu, chỉ đạt 66,15%.

Chỉ số thành phần “Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương” đạt giá trị trung bình 77,73%, thấp hơn 1,29% so với năm 2022, xếp vị trí thứ 8/8 chỉ số thành phần. Năm 2023 có 03 địa phương đạt kết quả trên 90% là Hải Dương, Quảng Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu, trong số đó, dẫn đầu cả nước là tỉnh Quảng Ninh, đạt 94,42%. Theo đánh giá, 9/10 địa phương đứng cuối bảng xếp hạng cho tỷ lệ điểm đánh giá đạt dưới 70%; xếp vị trí thứ 63/63 là tỉnh Bắc Kạn, đạt 63,06%.

*

*        *

Cải cách thủ tục hành chính gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công đang được triển khai mạnh mẽ, mang lại nhiều hiệu quả mới, giá trị mới và lợi ích mới cho người dân, doanh nghiệp; nhiều mô hình cải cách mới được thí điểm, áp dụng ở nhiều nơi. Bên cạnh đó, công tác CCHC ở địa phương cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như: kế hoạch CCHC của một số địa phương vẫn chưa bám sát thực tiễn, một số nhiệm vụ chưa cụ thể, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa đạt hiệu quả cao…; vẫn còn 26 địa phương chậm công bố, công khai và cập nhật TTHC theo quy định; một số cơ quan chuyên môn còn chồng chéo chức năng nhiệm vụ, chưa được kiện toàn theo quy định của Chính phủ; kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số nơi chưa nghiêm, vẫn còn lãnh đạo, quản lý sai phạm trong thực thi công vụ dẫn đến bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự; một số tỉnh, thành phố không hoàn thành giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước…

VH

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)