Thứ sáu, 02/02/2024 14:57

Thành phố Hồ Chí Minh: Hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho cá nhân mua sắm xe máy điện

TP Hồ Chí Minh vừa công bố Chương trình hỗ trợ cung cấp vốn vay ưu đãi cho cá nhân mua sắm xe máy điện. Các đối tượng được hưởng chính sách vay ưu đãi là những cá nhân đang thường trú tại Thành phố, có nhu cầu mua sắm xe máy điện, ưu tiên các đối tượng làm việc trong lĩnh vực giao vận hàng hoá và vận tải hành khách.

Đối tượng thụ hưởng của chính sách

Ngày 01/02/2024, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức Lễ công bố Chương trình hỗ trợ cung cấp vốn vay ưu đãi cho cá nhân mua sắm xe máy điện. Chương trình góp phần thúc đẩy kinh tế xanh, phát triển bền vững của TP Hồ Chí Minh.

Các đối tượng được hưởng chính sách vay ưu đãi là những cá nhân đang thường trú tại Thành phố, có nhu cầu mua sắm xe máy điện, ưu tiên các đối tượng làm việc trong lĩnh vực giao vận hàng hoá và vận tải hành khách. Khi tham gia chương trình, cá nhân cần thanh toán tối thiểu 30% giá trị xe. Phần còn lại sẽ được đơn vị vận hành nguồn vốn - BSSC hỗ trợ vay vốn tối đa 25.000.000 đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản (xe máy điện) với lãi suất 0% trong suốt chu kỳ vay và thời gian vay tối đa 12 tháng, thanh toán chia làm 4 phân kỳ (3 tháng trả 1 lần).

Chương trình hỗ trợ cung cấp vốn vay ưu đãi cho cá nhân mua sắm phương tiện xe máy điện là sự kiện đầu tiên trong năm 2024 của TP Hồ Chí Minh trong quá trình thúc đẩy kinh tế xanh, phát triển bền vững. Chương trình được khởi xướng bởi UNDP, Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế Thành phố và BSSC cùng các đơn vị đồng hành, đơn vị cung cấp xe máy điện, đơn vị giao vận, nền tảng đặt xe công nghệ. Chương trình nhằm thúc đẩy và nâng cao nhận thức về giao thông phát thải thấp cho người dân đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy phát triển giao thông điện” do Chính phủ Nhật và UNDP hỗ trợ.

Nơi phù hợp để thử nghiệm các chính sách chuyển đổi kinh tế xanh

Sự gia tăng ý thức về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội hiện đang là xu hướng khởi nghiệp và phát triển kinh tế trên thế giới. Điều này buộc các doanh nghiệp hoạt động không chỉ vì lợi nhuận mà còn phải luôn “đổi mới sáng tạo” và “phát triển bền vững”. Nhiều quốc gia và các chương trình hỗ trợ đều tập trung xoay quanh việc gia tăng ý thức của người dân và toàn bộ nền kinh tế liên quan đến việc phát triển kinh tế bền vững. Không nằm ngoài xu hướng đó, TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng trên hành trình phát triển nền kinh tế xanh.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2023, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, TP Hồ Chí Minh là nơi phù hợp để thử nghiệm các chính sách chuyển đổi kinh tế xanh. Phó Thủ tướng khẳng định: Có thể nói, TP Hồ Chí Minh là nơi tốt nhất để thử nghiệm các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, tuần hoàn nhờ đặc thù về đô thị, quy mô dân số và tính năng động của nền kinh tế. Mặc dù có mức độ phát triển nhanh, nhưng TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với các vấn đề phát thải khí nhà kính lớn, khoảng 57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% tổng lượng phát thải cả nước.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chuyển đổi xanh và tăng trưởng bền vững đòi hỏi nguồn lực lớn, bao gồm tài chính và công nghệ cũng như các ý tưởng và giải pháp thực tế.

Góp phần thúc đẩy kinh tế xanh, phát triển bền vững

Phát biểu tại Lễ công bố Chương trình, ông Ngô Minh Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Chương trình hỗ trợ cung cấp vốn vay ưu đãi cho cá nhân mua sắm xe máy điện sẽ mang lại tư duy mới và nhận thức mới cho các bạn trẻ trong việc tiếp cận với các phương tiện giao thông xanh, sử dụng nhiên liệu an toàn, đảm bảo thân thiện với môi trường và tạo ra nguồn lao động mới, góp phần cho việc bảo vệ môi trường. Ông cũng hy vọng, các bạn trẻ, đặc biệt là các tài xế sẽ có điều kiện để tiếp cận được chương trình này, thực hiện việc chuyển đổi và từ đó đóng góp vào việc thực hiện chủ trương về phát triển xanh bền vững của Thành phố và tất các các hoạt động của Thành phố đều hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để bảo vệ môi trường và phát triển xanh bền vững.

Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam khẳng định, TP Hồ Chí Minh có vai trò và vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, với hơn 9 triệu người. Thành phố đã và đang đóng vai trò nòng cốt trong việc hiện thực hoá các mục tiêu tham vọng, lộ trình sử dụng xe buýt điện mới từ năm 2025 và taxi điện từ năm 2030. Hiện nay, phương tiện giao thông cá nhân chiếm gần 90% nhu cầu đi lại của người dân, điều này tạo ra đáng kể lượng phát thải khí nhà kính và chất gây ô nhiễm không khí. Để ứng phó với tình trạng này, Thành phố đang nỗ lực xây dựng và triển khai các chính sách, kế hoạch nhằm giảm phát thải từ ngành giao thông.

Đề cập đến sự hợp tác của Nhật Bản, ông Furudate Seiki - Quyền Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh cho biết: Chính phủ Nhật Bản đã hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 - NCCS” thông qua việc sử dụng mô hình AIM do Nhật Bản phát triển để đưa ra kịch bản giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam vào năm 2050. Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác trong các dự án, góp phần giúp TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung trong việc phổ biến sử dụng phương tiện giao thông điện và giảm phát thải các bon.

Tại buổi Lễ, các đại biểu tham dự cũng chứng kiến ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa các bên. Đây là tiền đề cho việc vận hành các hoạt động hướng đến đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững trong thời gian sắp tới.

Vũ Hưng

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)