
Quang cảnh Hội thảo.
Chưa có cơ chế khuyến khích đủ mạnh
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết được gọi là “Bộ tứ trụ cột” định hướng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, trong đó có Nghị quyết số 57. Cùng với đó là Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo vừa được Quốc hội thông qua đã tạo ra khuôn khổ pháp lý then chốt cho hoạt động của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học trong kỷ nguyên mới.

Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến phát biểu khai mạc Hội thảo.
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, Liên hiệp Hội Việt Nam đã ban hành các chương trình hành động và kế hoạch cụ thể, thể hiện rõ quyết tâm chính trị và sự chủ động trong việc phát huy vai trò đội ngũ trí thức, đặc biệt là trí thức trẻ.
Thực tế cho thấy, việc thu hút, tập hợp trí thức trẻ tham gia vào các hoạt động của hệ thống Liên hiệp hội vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, từ cơ chế, chính sách đến môi trường hoạt động và phương thức tiếp cận phù hợp. Tỷ lệ trí thức trẻ trong các hội thành viên và tổ chức trực thuộc chưa cao, nội dung và hình thức hoạt động chưa đủ sức hấp dẫn. Hội thảo lần này là dịp để cùng đánh giá thực trạng, chia sẻ mô hình hay, đề xuất giải pháp cụ thể, sáng tạo, qua đó tạo môi trường thuận lợi, xây dựng không gian kết nối hiệu quả nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ trí thức trẻ trong tiến trình phát triển đất nước.
Tính đến tháng 06/2025, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tập hợp được 3,7 triệu hội viên, trong đó khoảng 2,2 triệu hội viên trí thức. Tỷ lệ cán bộ, hội viên, nhân viên có độ tuổi từ 45 trở xuống phần lớn thuộc về các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc (59%), thấp hơn là các hội ngành toàn quốc (44%) và thấp nhất là liên hiệp hội tỉnh (30%). Tỷ lệ cán bộ, hội viên, nhân viên 45-60 tuổi phần lớn thuộc về các hội ngành toàn quốc (44%) và các Liên hiệp hội tỉnh (40%), thấp nhất là các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc (20%). Tỷ lệ cán bộ, hội viên, nhân viên có độ tuổi trên 60 không có sự khác biệt nhiều giữa các hội thành viên và đơn vị trực thuộc khoảng 16-27%.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Công Lương - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Khoa học và Hợp tác quốc tế (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã đưa ra cái nhìn tổng quan về thực trạng công tác tập hợp trí thức trẻ. Số liệu cho thấy, trong vòng 10 năm qua, số người có trình độ đại học trở lên đã tăng gần 3 triệu người. Đội ngũ trí thức trẻ đang dần khẳng định vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, sản xuất và chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, vẫn còn các tồn tại như: chưa có cơ chế khuyến khích đủ mạnh; hoạt động hội còn mang tính hành chính, chưa hấp dẫn; thiếu kết nối với các tổ chức đào tạo, doanh nghiệp và đoàn thể thanh niên.
Để đổi mới phương thức hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam, cần xây dựng các chương trình hành động, diễn đàn khoa học, cuộc thi đổi mới sáng tạo dành riêng cho trí thức trẻ; ứng dụng nền tảng số để tương tác hiệu quả với giới trẻ. Đồng thời, thành lập mạng lưới trí thức trẻ hoạt động theo các cụm chuyên môn như môi trường, chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Nguyễn Đình Phúc - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và xã hội cho biết, trí thức trẻ có trình độ thạc sỹ hầu như không được đứng chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học, chỉ được làm thư ký, thành viên chính. Mặt khác, tiền lương, thu nhập trong các viện nghiên cứu ngoài công lập với trí thức trẻ còn thấp, ngay như ở Viện Nghiên cứu pháp luật và xã hội, trung bình chỉ khoảng 15 triệu, trong khi nếu làm ở doanh nghiệp sẽ có thu nhập cao hơn nhiều. Đó là lý do nhiều trí thức trẻ không mặn mà gắn bó lâu dài với các viện nghiên cứu…
Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ trí thức trẻ
Theo các đại biểu, thu hút, tập hợp trí thức trẻ không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết để đổi mới hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam mà còn là chiến lược lâu dài để hình thành thế hệ trí thức kế cận đủ năng lực, bản lĩnh và khát vọng cống hiến vì sự phát triển bền vững của đất nước. Muốn vậy, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từ thể chế chính sách đến cơ chế tài chính, từ thay đổi nhận thức đến hành động thực tiễn.
Để phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng trí thức trẻ, ông Đặng Vũ Cảnh Linh - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho rằng, cần có quy trình liên thông từ phát hiện - đào tạo - bồi dưỡng - sử dụng. Đã có hàng ngàn nhà khoa học trẻ được tôn vinh, bảo hộ bản quyền và hỗ trợ đưa sản phẩm sáng tạo vào thực tiễn sản xuất thông qua các phong trào như: “Tuổi trẻ sáng tạo”, giải thưởng “Quả cầu vàng”, hay mô hình “Vườn ươm tài năng trẻ” do các bộ, ngành, đoàn thể tổ chức.
Để mở rộng sân chơi khoa học - công nghệ cho trí thức trẻ, Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) Hà Hoàng Yến cho biết, trong nhiều năm qua, Quỹ đã tổ chức hàng nghìn giải thưởng, hội thi, cuộc thi khoa học sáng tạo. Các phong trào này không chỉ giúp phát hiện tài năng mà còn tạo động lực thi đua nghiên cứu, đóng góp cho quốc gia. Tuy nhiên, để tăng chất lượng, các địa phương, ngành cần nâng cao công tác hướng dẫn, thẩm định và truyền thông để phong trào thực sự trở thành “ngày hội khoa học” toàn dân.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến thống nhất rằng đã đến lúc hành động quyết liệt, đồng bộ, từ Trung ương tới cơ sở, từ thể chế chính sách đến hoạt động thực tiễn. Thu hút và phát huy trí thức trẻ không chỉ là một khẩu hiệu, mà là chiến lược phát triển quốc gia.
PT