Thứ tư, 16/07/2025 16:46

Thay đổi lớn về nhân sự ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ

Bức tranh ngành ngân hàng đang thay đổi hoàn toàn buộc nhân sự ngành ngân hàng cũng phải thay đổi toàn diện. Ước tính, có khoảng 60% nhân sự ngân hàng cần được đào tạo lại. Nhận định được đưa ra tại Diễn đàn "Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ" do Thời báo Ngân hàng và Tạp chí Một Thế Giới tổ chức ngày 16/07/2025 tại Hà Nội.

Nguồn nhân lực sẵn sàng cho công nghệ số còn hạn chế

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Diễn đàn.

Với chủ đề “Ngân hàng thời đại số: Đổi mới mô hình và tái cấu trúc nhân lực” - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng cho rằng, cấu trúc nhân sự trong các ngân hàng đang được tái định hình. Một số vị trí cũ dần biến mất, thay vào đó là nhu cầu cao về chuyên gia dữ liệu, ký sự công nghệ tài chính, chuyên viên quản lý rủi ro số, chuyên gia về trải nghiệm người dùng. Đây chính là lý do mà thời gian qua nhiều ngân hàng như LPBank, VietinBank liên tục cắt giảm nhân sự. Động thái này cho thấy các ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu nhân sự để phù hợp với mô hình kinh doanh mới trong thời kỳ chuyển đổi số.

Nhiều ngân hàng đã phối hợp với Bộ Công an đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ số hóa như: xác thực, định danh khách hàng bằng thông tin sinh trắc học thông qua căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh và xác thực điện tử VNeID; ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại trong thanh toán (sinh trắc học khuôn mặt; thanh toán một chạm, bằng mã QR…); ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, công nghệ thực tế ảo trong hoạt động cho vay, cấp tín dụng cho cá nhân, doanh nghiệp; kết nối thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, viện phí, học phí… gắn với hóa đơn điện tử, chống thất thu thuế…

Theo một số dự báo khoa học, AI có thể đóng góp tới 15% GDP tăng thêm của nhân loại trong thời gian tới… Do đó, trong hoạt động ngân hàng cũng ghi nhận vai trò ngày càng to lớn của AI và nhu cầu nguồn nhân lực liên quan đến AI.

PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, nhu cầu nhân sự số của ngành ngân hàng đang tăng rất mạnh. Thời điểm này, nguồn cung về công nghệ thông tin chưa đủ cầu. Ngành ngân hàng thiếu hụt nguồn cung nhân lực có chuyên môn sâu về công nghệ thông tin. Đây là nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định năng lực cạnh tranh của ngân hàng. Nhu cầu nhân lực tăng lên rất mạnh: Nếu như năm 2018, ngành ngân hàng cần 320.000 nhân lực về công nghệ, thì đến năm 2026 là 750.000 người.

Về góc độ ngân hàng, Phó tổng giám đốc LPBank Lưu Danh Đức chia sẻ, các ngân hàng đang chịu sức ép về thiếu nguồn nhân lực công nghệ ngân hàng, sự cạnh tranh khiến việc tuyển dụng rất khó. 

Theo các chuyên gia công nghệ, khoảng 60% nhân sự ngân hàng đang cần đào tạo lại. Trong khi đó, đào tạo nhân lực ngân hàng hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu. 

Bà Ngô Lan - Giám đốc Navigos Search phía Bắc cho biết, hiện nay yêu cầu đối với các ngân hàng về tuyển dụng nhân sự rất cao nếu không đáp ứng được sẽ bị sa thải. Nguyên nhân lớn nhất tác động đến làn sóng sa thải nhân viên ngân hàng chính là công nghệ. Tất nhiên, AI chưa thể thay thế được con người hoàn toàn, nhưng có thể đảm nhận rất nhiều tác vụ của nhân viên ngân hàng. Từ đó, có thể thấy rằng, nhu cầu về nhân lực không còn nhiều. Nếu như vậy thì hiện nay các ngân hàng chú trọng đến điều gì? Đó là công nghệ và kiểm soát rủi ro -  bà Lan cho biết.

Theo Navigos Search, các ngân hàng dù sa thải nhưng họ vẫn tăng tuyển dụng song chủ yếu tuyển dụng ở nhóm kinh doanh bán hàng, nhóm tiếp thị và nhóm công nghệ.   

Nhu cầu lớn về đào tạo mới và đào tạo lại

Riêng về nhân lực công nghệ, theo các chuyên gia, nguồn cung về nhân sự mảng này tại Việt Nam rất thiếu. Dù Việt Nam không thiếu kỹ sư công nghệ nhưng khó nhất với ngân hàng là đa phần kỹ sư công nghệ lại không có kiến thức về kinh doanh, không đáp ứng được nhu cầu của ngân hàng. Một số ngân hàng tính tới tuyển dụng chuyên gia ngoại nhưng các chuyên gia này lại đòi hỏi mức lương rất cao khiến ngân hàng nội khó đáp ứng.

Toàn cảnh Diễn đàn.

Hiện nay, chính sách điều chỉnh nguồn nhân lực sẽ theo hướng giảm nhân sự ở những lĩnh vực có thế thay thế bằng tự động hóa, gia tăng nhân sự ở các vị trí liên quan công nghệ, ra quyết định và tư vấn. Chưa có một thống kê đầy đủ, nhưng thực tế cho thấy, ở Việt Nam nguồn nhân lực sẵn sàng cho công nghệ số còn hạn chế và các chương trình đào tạo đại học chưa thay đổi kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ. Sự khan hiếm nhân lực ngân hàng có trình độ công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ và chuyên gia tài chính có trình độ quốc tế khiến cho tiến trình ứng dụng và giải pháp ở trình độ cao tại các ngân hàng bị chậm lại.

TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam phải đẩy nhanh tốc độ đào tạo AI, blockchain…, chứ không phải “rón rén” như hiện nay. Nếu chần chừ số hoá, AI… thì giấc mơ chuyển mình trong kỷ nguyên mới của đất nước không thể trở thành hiện thực. 

L.H

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)