Ngay sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển S.T.I.D quốc gia (Nghị quyết 57) được ban hành, ĐHQGHN đã thành lập Ban chỉ đạo và ban hành Chương trình hành động số 1345/QĐ-ĐHQGHN, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trung tâm, gắn với chiến lược phát triển đại học trong 5-10 năm tới. Chương trình hành động được thiết kế dựa trên bốn trụ cột chính, bao gồm: Thúc đẩy sản phẩm khoa học gắn với công nghệ chiến lược; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khoa học, công nghệ; phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ chất lượng cao; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong nghiên cứu và quản trị. Với các trụ cột này, ĐHQGHN đặt mục tiêu hình thành mô hình đại học đổi mới sáng tạo tiêu biểu, khẳng định vai trò tiên phong trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội.
Giai đoạn 2024-2025, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó nổi bật là việc thành lập Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo (VNU-TIP) - nơi quy tụ các viện nghiên cứu, doanh nghiệp khoa học, công nghệ và nhóm chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, hướng đến phát triển các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ sinh học, y tế và nông nghiệp công nghệ cao. ĐHQGHN cũng đã thành lập Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến trực thuộc VNU-TIP và được Chính phủ giao chủ trì hai dự án trọng điểm quốc gia về thiết kế, chế tạo và đo kiểm vi mạch với tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng. ĐHQGHN đang triển khai 04 chương trình khoa học, công nghệ trọng điểm trong các lĩnh vực then chốt như: công nghệ vi mạch bán dẫn, dược liệu y học, sinh học tổng hợp và khoa học cơ bản, hướng đến giải quyết các bài toán lớn của đất nước và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ĐHQGHN đã đề xuất danh mục 17 sản phẩm công nghệ chiến lược với tổng kinh phí ước tính khoảng 100 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ chip và bán dẫn, công nghệ sinh học, vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo và robot. Đây là những lĩnh vực được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong khoa học và công nghệ quốc gia, góp phần xây dựng vị thế học thuật cũng như khả năng đóng góp thực tiễn của ĐHQGHN.
Tại Hội nghị, ĐHQGHN đã công bố thỏa thuận/hợp đồng hợp tác triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp đối tác: Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), Công ty cổ phần Tập đoàn MK, Công ty TNHH Tổ hợp y tế Phương Đông, Công ty cổ phần Tập đoàn Thaibinh Seed, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vận tải Phiệt Học. Các thỏa thuận/hợp đồng hợp tác được trao không chỉ là minh chứng cho sự kết nối hiệu quả giữa nhà trường, khoa học và doanh nghiệp mà còn mở ra những cơ hội triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ gắn với thực tiễn, phục vụ thiết thực cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước. ĐHQGHN hiện có 45 nhóm nghiên cứu mạnh (28 nhóm nghiên cứu cơ bản, 15 nhóm nghiên cứu ứng dụng, 2 nhóm nghiên cứu sản xuất); năm 2024, ĐHQGHN công bố trên 2.000 bài báo khoa học trên các tạp chí trong nước và quốc tế, trong đó các bài báo thuộc các tạp chí uy tín quốc tế (Q1, Q2) chiếm tỷ lệ 70%.

Trong khuôn khổ của Hội nghị, ĐHQGHN đã ra mắt các Hội đồng chuyên môn mới của ĐHQGHN và tri ân các thành viên thuộc Hội đồng chuyên môn cũ của ĐHQGHN; ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; trao tặng Bằng khen cho các nhà khoa học có thành tích tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học năm 2024.
VVH