Thứ ba, 13/05/2025 16:23

Một số kết quả ứng dụng công nghệ số nổi bật phục vụ lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai

Trong thời gian qua, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong ứng dụng công nghệ số phục vụ lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai, góp phần thiết thực phục vụ công tác quản lý của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng như các địa phương. Bài viết giới thiệu một số kết quả nổi bật của Viện về ứng dụng công nghệ số phục vụ lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai.

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã triển khai ứng dụng công nghệ số phục vụ lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai hiệu quả, góp phần hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng như các địa phương trên cả nước. Có thể kể đến một số kết quả tiêu biểu như xây dựng bộ cơ sở dữ liệu hồ đập, lưu vực sông cho một số tỉnh, thành phố có hồ chứa (45 hồ chứa lớn trên cả nước); xây dựng bộ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý cho cơ quan quản lý Nhà nước; ứng dụng GIS trong công tác quản lý hệ thống thủy lợi cho các hồ chứa phục vụ sản xuất; tích hợp các bộ công cụ tính toán dự báo biến động nguồn nước, đặc biệt các bộ công cụ liên quan đến tính toán nguồn nước xuyên biên giới phục vụ công tác chỉ đạo của Chính phủ, Bộ ngành, địa phương; bộ công cụ dự báo nguồn nước, dự báo hạn hán xâm nhập mặn cho vùng đặc biệt khó khăn như Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Trung và Tây nguyên; kết hợp với các kết quả thí nghiệm mô hình vật lý đã xây dựng các bộ công cụ nghiên cứu để chỉnh trị sông đảm bảo ổn định lòng dẫn lòng sông thoát lũ; xây dựng bộ bản đồ rủi ro ngập lũ cho các kịch bản, giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai cho các khu vực đông dân cư, đô thị, phục vụ cho Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; xây dựng hệ thống giám sát điều hành lũ trên lưu vực sông hỗ trợ Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai Trung ương, xây dựng cảnh báo sớm lũ lụt cho các địa phương; xây dựng được bộ công cụ tính toán xác định dòng chảy tối thiểu duy trì khả năng tự làm sạch, cải thiện chất lượng môi trường nước; ứng dụng công nghệ số phục vụ sản xuất cho các ngành hàng khác như phần mềm blockchain phục vụ truy xuất nguồn gốc, kết nối thị trường cho sản phẩm cà phê và hồ tiêu; bộ cơ sở dữ liệu (bản đồ vùng trồng, dữ liệu địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, cây trồng, thị trường) cho khu vực Tây Nguyên; bộ công cụ thu thập, giải đoán, số hóa, phân tích sinh trưởng vùng trồng cà phê, hồ tiêu; ứng dụng web-gis trong việc giám sát và dự báo về sâu bệnh hại lúa; ứng dụng ảnh SAR Sentinel-1 thành lập bản đồ lúa; ứng dụng GIS trong việc dự đoán dịch ở gia súc, gia cầm; nghiên cứu xây dựng hệ thống thu thập, lưu trữ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích, dự báo, ra quyết định điều khiển tự động, tối ưu hóa lượng nước tưới, phân bón, quản lý sâu bệnh và chiếu sáng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy tham quan gian hàng của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tại Hội nghị triển khai “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển S.T.I.D quốc gia” trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.

Theo GS.TS Trần Đình Hòa, biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến bất thường và dị thường, khai thác nguồn nước ngoài lãnh thổ khó kiểm soát và phát triển kinh tế, xã hội nội tại đã và đang làm cho các vấn đề diễn biến nguồn nước, thiên tai, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, khó lường trên khắp mọi miền của đất nước. Thực tiễn đặt ra trách nhiệm cho công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai nói chung và việc ứng dụng khoa học và công nghệ số là rất lớn. Do vậy, đối với lĩnh vực thủy lợi phòng chống thiên tai cần có những công nghệ mới, hiện đại, cùng với chuyển đổi số, xây dựng một cơ sở dữ liệu lớn, đồng bộ cho ngành, làm cơ sở nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và hỗ trợ ra quyết định trong phòng chống thiên tai, an toàn công trình,quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ phát triển bền vững.

Từ thực tiễn nêu trên, GS.TS Trần Đình Hòa đã đưa ra một số định hướng nghiên cứu lớn góp phần phát triển lĩnh vực thủy lợi và nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai: nghiên cứu phát triển và ứng dụng các bộ công cụ tính toán, dự báo cảnh báo lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước; nghiên cứu quản lý, sử dụng hiệu quả, thông minh tài nguyên nước đảm bảo an ninh nước quốc gia; nghiên cứu dự báo diễn biến xói lở, bồi tụ bờ sông, cửa sông, bờ biển, hải đảo và đề xuất các giải pháp, công nghệ bảo vệ; nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ đảm bảo an toàn công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện, đê điều, phòng chống úng ngập cho các thành phố lớn và các khu dân cư; nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cấp, hoàn thiện, hiện đại hóa các công trình và hệ thống công trình đáp ứng yêu cầu khai thác phục vụ đa mục tiêu; nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ phục vụ xây dựng và hoàn thiện hạ tầng nông thôn mới theo hướng hiện đại, thông minh, sinh thái và thân thiện môi trường; nghiên cứu dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất và đề xuất các giải pháp bảo vệ, phòng ngừa; nghiên cứu thể chế chính sách và các công cụ kinh tế trong lĩnh vực thủy lợi, quản lý khai thác nguồn nước, cấp nước sinh hoạt nông thôn, đê điều và phòng chống thiên tai; quản lý khai thác công trình có sự tham gia của người dân.

Gian hàng giới thiệu một số sản phẩm của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhận định, vấn đề nguồn nước giờ đây không chỉ là một thách thức tạm thời, mà là bài toán nền tảng cho an ninh lương thực, cho quy hoạch công trình thủy lợi và cả chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu của quốc gia. Khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, mô hình dự báo số sẽ là nền tảng để ngành thủy lợi thực hiện được vai trò mới này. Chúng ta cần coi nghiên cứu nước là lĩnh vực mũi nhọn, bởi nếu không giải được bài toán nước thì sẽ không thể đảm bảo phát triển bền vững.

CT

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)