Thứ năm, 29/08/2024 11:13

Doanh nghiệp chủ động đổi mới công nghệ, thiết bị để nâng cao năng suất chất lượng

Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa trở thành vấn đề cốt lõi, sống còn đối với các doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh hội nhập kinh tế. Một trong những mấu chốt của vấn đề này là tăng cường đổi mới công nghệ, trang thiết bị, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng thường xuyên, liên tục; đổi mới sáng tạo, thế nhưng việc này vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế, chưa như kỳ vọng.

Từ chỗ chưa coi trọng...

Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống trang thiết bị, công nghệ có vai trò rất quan trọng đối với bất cứ DN nào khi tiến hành đổi mới, cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả năng suất lao động. Ứng dụng trang thiết bị, công nghệ mới giúp cho DN giảm chi phí, thay thế lao động thủ công và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Thực tế cho thấy, DN Việt Nam đa số có quy mô nhỏ và vừa, nguồn vốn và năng lực sản xuất có nhiều hạn chế, vì thế việc ứng dụng công nghệ, trang thiết bị mới cũng những tiếp cận với hệ thống quản lý chất lượng hiện đại còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, bên cạnh những khu công nghiệp, khu chế xuất được đầu tư bài bản, quy mô lớn, cũng còn không ít các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự quan tâm đúng mức cho việc cải tiến nhà máy, đổi mới mô hình sản xuất, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thậm chí, nhiều DN còn tận dụng công nghệ cũ, lạc hậu, gây tiêu hao nhiều năng lượng, chi phí, ô nhiễm môi trường.

Nguyên nhân mà các DN đưa ra là do quy mô nhỏ nên nhân lúc kinh doanh có hiệu quả, họ tập trung vào tìm kiếm lợi nhuận, bạn hàng, chớp thời cơ kiếm lời và cơ hội thị trường thường qua rất nhanh. Khi kinh doanh gặp khó khăn, hoặc nhu cầu thị trường thay đổi chỉ tập trung vào duy trì sản xuất, kinh phí không đủ để cải tiến, đổi mới công nghệ. 

Trong khi các DN cũng hiểu rằng, việc cải tiến nhà máy, đầu tư công nghệ, trang thiết bị, đổi mới mô hình quản trị sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, giảm chi phí, cải thiện khả năng cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển. Thế nhưng, các DN vẫn đặt việc cải tiến nhà máy, đầu tư công nghệ, trang thiết bị, đổi mới mô hình quản trị là thứ yếu vì lợi nhuận trước mắt.

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư máy móc, thiết bị nhằm tăng năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc đổi mới công nghệ, đầu tư thiết bị, cải tiến mô hình quản trị, áp dụng các công cụ nâng cao năng suất chất lượng là một trong những nhân tố hạt nhân then chốt giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường cả trong nước cũng như quốc tế.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp khác nhau như việc hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế về vốn, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ cho DN tăng cường áp dụng các công cụ và giải pháp cải tiến để nâng cao năng suất, chất lượng. Các chương trình được biết tới như hỗ trợ cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cho các DN và sản phẩm ngành cao su - nhựa, ngành cơ khí - điện và công nghiệp chế biến thông qua việc hỗ trợ đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực. 

Mặc dù vậy, các chương trình hỗ trợ của Nhà nước được xem là tiền đề ban đầu, là “bà đỡ” và không thể làm thay DN. Việc quan trọng là DN cần phải thực sự thấy cần thiết, chủ động, linh hoạt trong đổi mới, cải tiến thiết bị máy móc, quản trị doanh nghiệp thường xuyên, liên tục, mới có thể đạt được các kết quả thực chất lâu dài.

... đến được lợi kép

Nhận thức được tầm quan trọng của việc chủ động đổi mới công nghệ, cải tiến thiết bị máy móc, hiện nay các DN tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường các hoạt động đầu tư, cải tiến.

Trong số DN đi đầu như một điển hình là Công ty Cổ phần phân bón Lam Sơn (Thanh Hóa) - DN chuyên sản xuất phân bón hữu cơ. Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ, thiết bị, hệ thống quản lý chất lượng mới sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, nên hằng năm DN đã dành một nguồn kinh phí lớn cho hoạt động nghiên cứu, cải tiến máy móc kỹ thuật trong sản xuất. 

Theo đánh giá của tỉnh Thanh Hóa, Công ty Cổ phần phân bón Lam Sơn là DN đi tiên phong, gương mẫu trong việc triển khai các hoạt động nghiên cứu, sản xuất và cung cấp các loại phân bón có thành phần hữu cơ đảm bảo chất lượng góp phần phát triển nền nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững. Làm được điều này là do DN đã coi trọng đầu tư cho khoa học và công nghệ. Công ty luôn quan tâm đổi mới công nghệ, nghiên cứu và cho ra đời nhiều dòng sản phẩm phù hợp với các loại cây trồng cho những vụ mùa bội thu. Năm 2024, Công ty phấn đấu sản lượng sản xuất và tiêu thụ đạt khoảng 22.000 tấn phân bón, tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ.

Hoạt động sản xuất của Công ty Cổ phần phân bón Lam Sơn.

Tại Quảng Ngãi, tỉnh đã hỗ trợ tích cực cho các DN đầu tư thiết bị, công nghệ mới thay thế các thiết bị, công nghệ cũ, còn nhiều hạn chế trong hoạt động sản xuất nhờ đó năng suất, chất lượng hàng hóa gia tăng, đem lại giá trị kinh tế cao cho doanh nghiệp. Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ chế biến thủy sản Hưng Phong được biết tới là DN đi đầu về đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, cấp đông sản phẩm tại Nhà máy Chế biến thủy sản Hưng Phong.

Với hệ thống máy lạnh hầm đông gió, phần vỏ hầm đông, trong cùng một thời gian hoạt động của hệ thống là 80 giờ, hệ thống cũ cho ra 64 tấn sản phẩm, hệ thống mới cho ra 100 tấn sản phẩm; số lượng sản phẩm sản xuất tăng lên gấp 1,56 lần so với thiết bị cũ. DN tiết kiệm được khoảng 69% lượng điện năng sử dụng; rút ngắn thời gian cấp đông sản phẩm/mẻ từ 10 xuống 8 giờ, tăng vòng quay hầm (số mẻ/hầm), tăng sản lượng sản phẩm sản xuất từ 2.600 lên 3.600 tấn/năm; tăng lợi nhuận khoảng 30%/đơn vị sản phẩm so với công nghệ cũ với kế hoạch sản xuất của hệ thống thiết bị đầu tư mới 3.600 tấn sản phẩm/năm, ước tính lợi nhuận sau thuế đạt 3.451.503.600 đồng/năm. Chất lượng sản phẩm nâng lên, đem lại thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh cho Công ty.

Công ty TNHH xây dựng - sản xuất và thương mại Phước An đã đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ cắt ống kim loại. Với máy cắt ống Laser FLT6016L, để gia công sản phẩm inox khoảng 270 tấn/năm cho công đoạn cắt ống chỉ tốn rất ít chi phí điện. So với hệ thống máy móc, thiết bị công nghệ cũ thì hệ thống máy móc, thiết bị công nghệ mới có tổng chi phí giảm 8,7% và lợi nhuận của DN sau đầu tư đạt 68,7%. Sản phẩm cho ra chính xác, đẹp, đa dạng, đồng bộ, rút ngắn thời gian sản xuất, sản lượng và thu nhập của người lao động tăng lên.

Trong lĩnh vực nhựa, các DN cũng chủ động đầu tư trang thiết bị máy móc và công nghệ để gia tăng sản lượng sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Điển hình như Công ty Cổ phần An Tiến Industries (Yên Bái) là DN có thương hiệu trong thị trường sản xuất nhựa phụ gia tại Việt Nam và khu vực. Công ty hiện sở hữu 2 nhà máy với năng lực sản xuất 96.000 tấn sản phẩm phụ gia nhựa và 150.000 tấn bột đá mỗi năm. Nguồn nguyên liệu được cung cấp từ hai mỏ đá chính là Mông Sơn, Lục Yên (tỉnh Yên Bái) có trữ lượng lớn và chất lượng được đánh giá thuộc nhóm tốt nhất tại khu vực Đông Nam Á với hàm lượng CaCO3 trên 98%, độ trắng, sáng cao và đồng nhất.

Ông Ngô Văn Thụ - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần An Tiến Industries cho biết, trong những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu của thị trường rất lớn về nguồn nguyên liệu ở cả thị trường nội địa và nước ngoài, Công ty đã chủ động tái cơ cấu đầu tư công nghệ, trang thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại trị giá hàng chục tỷ đồng. Công ty đã đầu tư hệ thống máy nghiền mới nhằm tối ưu hóa sản xuất và tăng sản lượng, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa dòng sản phẩm cao cấp. Đây là một bước đi quan trọng để khẳng định chỗ đứng trên thị trường và mở rộng thị phần.

Vân Thảo

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)